CHIÊU SINH KHÓA 1
ĐIỂM TẬP: NHÀ THIẾU NHI Q.10
Nhằn nâng cao sức khỏe cho các bạn trẻ - thanh niên Tp.HCM, Môn Phái "Tinh Võ Đạo" thông báo chiêu sinh khóa 1, tại điểm tập Nhà thiếu nhi Q.10. Khai giảng ngày 01/12/2011, bắt đầu nhận võ sinh từ nay cho đến ngày khai giảng. Các bạn trẻ yêu thích võ thuật đăng ký tại Email vietnam.traditionalart@gmail.com Võ sư Hồ Nhất Phi
Võ sư Hồ Nhất Phi - Cấp 18/18 Quốc Gia

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Võ cổ truyền – di sản cần gìn giữ

Đất nước Việt Nam từ thuở con Lạc cháu Hồng đã có truyền thống thượng võ. Nét đẹp đó, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử đã ngày càng được hun đúc và bối đắp để két tinh thông qua hình thức võ thuật cổ truyền. Trong thời đại hội nhập ngày nay, với những giá trị hết sức quý báu, võ cổ truyền càng được coi là một thứ di sản cần bảo vệ và gìn giữ.

Có thể khẳng định, trải qua hàng ngàn năm, võ cổ truyền Việt Nam vẫn thể hiện sức sống lâu bền và mãnh liệt cho đến tận ngày nay, vẫn được nhiều người trong nước và cả nước ngoài yêu mến. Chính vì thế, việc gìn giữ và phát huy di sản võ thuật cổ truyền trong thời đại hội nhập được coi là hết sức cần thiết, để mỗi người dân, đặc biệt là với thế hệ trẻ có thể luôn luôn tự hảo về một “di sản” mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử
Có thể nói, võ thuật cổ truyền gắn liền với lịch sử, với công cuộc dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông cha ta. Những giá trị đó đã trường tồn cùng với thời gian và trong thời đại hội nhập ngày nay nó vẫn không hề thay đổi.
Nước Việt Nam từ thuở khai thiên lập quốc, mỗi người dân nước Việt đều mộc mạc, cần cù, giản dị, sáng tạo, nhân ái, kiên cường, dũng cảm và đặc biệt rất khảng khái, hào hiệp. Chính những phẩm chất tuyệt vời đó đã hun đúc nên tinh thần thượng võ hết sức quý báu.
Trong thời kỳ phong kiến, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn là đất nước ta luôn phải chống lại ách ngoại xâm, võ thuật cổ truyền đã sớm phổ biến rộng rãi và trải qua thời gian, đã được xây dựng thành hệ thống võ học, đưa vào hệ thống thi cử, đào tạo tướng sĩ… Đặc biệt, đã được nghiên cứu và áp dụng triệt để, sáng tạo trong quân sự phục vụ chiến trường.
Từ thời kỳ phong kiến, những trường dạy võ xuất hiện rất nhiều khắp lãnh thổ cả nước. Võ cổ truyền là hội tụ của nhiều môn phái và mỗi một môn phái lại có sự hội tụ những tinh hoa khác nhau. Chính vì thế, võ cổ truyền chứa đựng sức mạnh tổng hợp, là sự chắt lọc những cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc. Đó là kết quả của sự giao lưu, hòa nhập giữa các dòng võ và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng.
Võ cổ truyền từ xa xưa đã phổ biến rộng rãi, là “món ăn” không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội. Nó vừa có ý nghĩa quan trọng trong quân sự vừa có ý nghĩa trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân lao động.
Trong thực tiễn lịch sử, đã có một số thời điểm võ thuật cổ truyền vì một số lý do khác nhau mà đã bị cấm lưu truyền một cách công khai. Tuy nhiên với tình yêu giành cho võ thuật cũng như tinh thần thượng võ cao quý, nhiều võ sư đã bí mật truyền dậy các tinh hoa võ cổ truyền cho những thế hệ sau. Cũng chính vì thế, những môn phái nổi tiếng của võ thuật cổ truyền Việt Nam như Võ Vật Liễu Đôi, Nhất Nam, Thăng Long Võ Đạo, Nam Hồng Sơn (miền Bắc); Tây Sơn Bình Định, Bình Thái Đạo… (miền Trung) hay Tân Khánh Bà Trà, Kim Kê, Thanh Long võ đạo, Trúc Lâm, Hắc Long… (miền Nam).. mới có sức sống mãnh liệt và tồn tại cho tới ngày nay.
Trong một số thời điểm võ thuật cổ truyền bị cấm truyền dạy công khai, võ cổ truyền vẫn được bí mật truyền dạy trong các nhà chùa hoặc các khu rừng… Đặc biệt, vẫn được nhiều người tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, lưu truyền sử sách cho con cháu mai sau. Nửa đầu thế kỷ XIX, sự du nhập mạnh mẽ các dòng võ nước ngoài vào Việt Nam vẫn không làm mai một những tinh hoa vốn có của võ cổ truyền Việt Nam. Trải qua bao biến cố thăng trầm, ngày nay, võ cổ truyền vẫn giữ được những nét đẹp độc đáo riêng.
Có thể nói, võ cổ truyền chứa đựng những giá trị hết sức to lớn, không chỉ có đóng góp rất quan trọng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông, mà nó còn ẩn chứa và thể hiện nhiều nét đẹp văn hóa của người Việt, những triết lý về cuộc sống, về nhân sinh quan đều được thể hiện qua từng thế võ uyển chuyển, nhịp nhàng mà đầy sức mạnh. Võ cổ truyền vừa tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu giữa bên trong với bên ngoài. Tinh thần nhân bản của võ cổ truyền Việt Nam luôn được thể hiện rõ nét ở truyền thống võ đạo và trọng nhân nghĩa, giống như bản chất của người Việt.
Tinh hoa cần hun đúc và phát triển
Với những giá trị cực kỳ quá báu, võ cổ truyền ngày nay đã trở thành món ăn tinh thần của một lực lượng khá đông đảo người dân Việt Nam. Luyện tập võ cổ truyền đã trở thành một phong trào thu hút ngày càng đông đảo quần chúng tham gia đặc biệt là đối với giới trẻ (các tầng lớp học sinh, sinh viên và cả người lao động). Ngày này, không chỉ có nam nhi; mà cả phái nữ cũng tham gia rèn luyện ngày càng đông. Hàng năm, nhiều giải đấu võ thuật cổ truyền ở nhiều cấp đã được tổ chức trên phạm vi cả nước. Người dân đặc biệt là thế hệ trẻ đã hăng say luyện tập và ngày càng quý trọng võ cổ truyền, bởi đây không chỉ là môn thể thao nâng cao sức khỏe, khai thông tinh thần, mà còn vì nó là “di sản quý giá” của ông cha để lại.
Người Việt Nam dù đi đâu xa vẫn nhớ về cội nguồn, tổ tiên, tự hào về một dân tộc anh hùng với bao võ quan, võ tướng, các võ sư, võ sĩ đã không tiếc máu xương vun đắp nên truyền thống thượng võ hào hùng chống giặc ngoại xâm.
Ngày nay, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc giáo dục, truyền thụ võ thuật cổ truyền ngày càng được coi trọng. Võ thuật cổ truyền không chỉ góp phần làm nên nét đẹp toàn diện của con người, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là niềm tự hào về những giá trị văn hóa quý báu kết tinh hàng ngàn năm của cha ông. Vì vậy, một số địa phương mà tiêu biểu là Bình Định đã có cả một công trình khoa học nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng của võ cổ truyền, nhằm gìn giữ, tôn vinh, phát huy những thế mạnh vốn có của một môn thể thao giàu truyền thống dân tộc.
Trong những năm gần đây, võ cổ truyền không những chỉ được phổ biến một cách rộng rãi ở trong nước, mà còn được nhân rộng ở phạm vi ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam. Nhiều môn phái võ cổ truyền đã được truyền dạy tại nhiều vùng đất xa xôi ở tận châu Âu, châu Mỹ, châu Phi hay nhiều nước ở châu Á. Đây có thể coi là những tín hiệu vui trong việc quảng bá nét đẹp võ cổ truyền Viêt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực đó, nhiều trăn trở trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát triển võ thuật cổ truyền cũng đã được đặt ra. Trên một số diễn đàn về võ thuật cổ truyền, cũng như theo một số võ sư nổi tiếng thì việc bảo tồn và phát huy di sản võ cổ truyền là vấn đề không hề dễ dàng.
Ngày nay, ở trong nước các Liên đoàn võ thuật hình thành để quản lý phong trào võ thuật, trong đó có Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam hình thành năm 1991. Tuy nhiên, do nhiều lý do, từ đó cho đến nay, võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn chưa được quan tâm phát triển như những môn võ thuật có thi đấu quốc tế như:Taekwondo, Judo, Karatedo, Wushu, Pencak silat, Boxing, Vovinam…
Bên cạnh đó, nhiều VĐV tham gia tập luyện võ thuật cổ truyền chủ yếu chỉ quan tâm tới thành tích, tới việc nỗ lực vì những tấm huy chương, mà không quá chú trọng tới những tinh hoa về “võ đạo” của võ thuật cổ truyền. Cộng với việc những võ sư danh tiếng, có nền tàng võ thuật cổ truyền phong phú, dày dặn trên thực tế đã ngày càng ít đi. Đây thực sự là những dấu hỏi lớn được đặt ra trong việc gìn giữ và phát huy giá trị võ thuật cổ truyền trong thời đại hội nhập.
Việc nghiên cứu, phân tích để giải quyết những dấu hỏi trên, để từ đó bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản võ thuật cổ truyền là điều hết sức cần thiết. Để võ thuật cổ truyền mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét