Sau một thời gian luyện tập đúng phương pháp, đúng các kỹ thuật, những phần thân thể của bạn sẽ trở nên cứng rắn, chữ “cứng” ở đây không có nghĩa là cứng đòn mà nó mang đặc tính một sự cứng rắn nhưng có thêm yếu tố dẻo bên trong. Một số bạn tập hít đất quá nhiều trên nền ximăng, tay sẽ chai đi thoạt trông nhiều người không am tường kỹ thuật công phá đều e ngại hoặc kinh sợ vì nó toát ra một cái gì đó kinh khiếp khác thường. Thật sự khi các bạn tập hít đất thái quá với hai nắm đấm, cục u trên trái đấm sẽ bị chai đi như một lớp “gôm cao su”, điều này sẽ ngăn trở sức công phá thật sự của bạn cũng như sẽ là mầm mống tai nạn khi góc độ tiếp xúc giữa cục u với mục tiêu cứng khác bị lệch không đúng lực thẳng góc. Lớp “gôm” đó sẽ vuột đi bất chợt sau một đòn đấm (không đúng cách), tay sẽ bê bết máu và hậu quả là ta không còn sử dụng tiếp nắm đấm được nữa, tối thiểu là hai tháng. Đó là điều hại mà nhiều võ sinh, thậm chí huấn luyện viên vẫn còn mê mải với những hình thức “đe dọa” bên ngoài. Cục tạ được thả từ một độ cao nào đó xuống một tấm gạch bông, gạch sẽ bị vỡ dễ dàng. Nhưng ta đặt lên gạch một lớp cao su thử hỏi tấm gạch có thể bị vỡ ngon lành hay không?
Những người tập luyện trụ đấm, tay (phần tiếp xúc) chỉ bị bao bọc một lớp biểu bì chết giới hạn và chính lớp bao bọc này liên kết khá chặt chẽ với phần bên trong, tay chân của họ vẫn còn xinh đẹp, không sù sì như da cóc nhưng công lực tung đòn vẫn không hề giảm sút.
Thường nhật, khi thử thách sức mạnh và tốc độ bằng cách đấm ngói, ván, chặt gạch …Không phải các bạn chỉ nhắm mục tiêu đo lường năng lực của mình mà các bạn muốn tự tạo cơ hội để suy tưởng về những hiệu năng tinh thần trong vật chất mình gặt hái được qua các buổi luyện tập hằng ngày.
Khi thấy rằng ta đánh vỡ tan những chướng ngại vật cứng rắn đó thì chúng ta biết một điều “thân xác ta đạt được sức mạnh và tốc độ với một mức khổ luyện nào đó”.
Một người tập Taekwondo hay Karatedo mà không biết, không chịu tập công phá chẳng khác nào một mũi tên tà đầu hay một cây nhiều lá nhưng không có trái ngọt. Nó chẳng ích lợi gì hơn là một môn thể thao thuần túy, đôi lúc võ thuật và thể thao cũng có nhiều điểm khác biệt, nói đúng hơn chúng chỉ trùng hợp vài mục đích nhỏ nào đó mà thôi.
Với các kỹ thuật tập tay chân trở thành sắt thép, các bạn cần phải kiên trì, nhẫn nại luyện từ ít đến nhiều, từ nhẹ đến mạnh hơn.
Mỗi ngày nên dành một khoảng thời gian nào đó xen kẽ trong ngày có thể tập chặt, đấm giữa giờ, xem như một hình thức thư giãn. Các bạn cần tập trung tư tưởng, ý lực vào mục tiêu giả định đó nhưng tinh thần phải được thoải mái, không gò bó thân hình như một người máy. Bởi vì đó là một yếu tố trong kỹ thuật phát lực.
Sau khi tập đấm, chặt với khoảng cách khởi điểm từ hông (tầm xa), các bạn phải tự khẳng định trong tâm rằng chính mình cũng có thể phát huy cũng năng lực đó với khoảng cách thật gần chẳng hạn với cự ly 5cm.
Với “Ý lực” đó (sức mạnh do sự khẳng định tâm tưởng), sức mạnh công phá chắc chắn sẽ kinh khủng khi chúng được kết hợp với kỹ thuật đấm đá kèm hình thức vận hơi thở đúng cách.
Những kỹ thuật công phá giúp các bạn dày công khổ luyện kết hợp với sức mạnh tinh thần biểu dương năng lực tuyệt vời mà những người bình thường không bao giờ có thể tin nổi.
Những hình ảnh kèm theo bài này là những hình ảnh sống động, những hình thức công phá “rất thật” không thể có sự man trá như một vài cuộc biểu diễn “mà mắt” thiên hạ.
Tôi đã từng đàm luận võ công với võ sư Hà Châu, một chuyên gia về môn công phá. Ông vẫn coi trọng những kỹ thuật tàn phá khốc liệt bằng các bộ phận của cơ thể ở môn Taekwondo.
Thật ra những kỹ thuật luyện công phu như của người xưa, các võ phái còn tồn tại đến ngày hôm nay vẫn y rập theo, tuy có vài sửa đổi cỏn con tùy theo quan niệm và óc thẩm mỹ của người sáng lập.
Ngay như “mộc nhân”, một dụng cụ sáng tạo của phái Vịnh Xuân hiện nay vẫn giữ nguyên hình thái cũ nhưng được thêm thắt một số nguyên tắc đàn hồi, co giãn với một số linh kiện có vẻ hiện đại hơn các thế kỷ trước (móc lò xo thép, bản lề bằng sắt, đệm cao su…).
Tại các nước tiên tiến, những dụng cụ kiểm tra của đòn thế được thiết kế một cách hoàn hảo khoa học. Những người tập công phá không cần thử sức với gạch ngói mà họ chỉ cần thử sức với bàn cân sức mạnh (Power indicator). Các hình thức công phá gạch ngói, ván, cây chỉ cần đến trong các chương trình biểu diễn trước công chúng.
Tuy nhiên, hằng ngày chúng ta vẫn phải khổ luyện với trụ đấm, trụ đá cổ truyền. Đó là một vật thiêng liêng, “một người bạn” thân thương trung thành nhất của chính chúng ta.
Một điều sau cùng cần nhắc nhở các bạn là chúng ta không bao giờ sử dụng năng lực khủng khiếp đó với mục đích hạ cấp, ngay sự thỏa mãn tự ái cá nhân cũng phải được chính chúng ta chế ngự. Có thế mục đích khổ luyện mới đầy ý nghĩa cao thượng.
Ngoài các dụng cụ như trụ đấm, trụ đá, bao cát, bó mây (dùng chung để luyện tay chân ở trình độ trung đẳng: đai đỏ, đai đen) cũng như các dụng cụ tự chế di động, tập đấm, tập hình thức đỡ … Các bạn nên sắm một số vật dụng tương đối cần thiết như:
- Con ngựa gỗ: chiều cao trung bình tùy thuộc chiều cao của người tập. Với tầm người Á đông thì con ngựa gỗ thường có chiều cao là 8 tấc (80cm).
Với dụng cụ này, bạn có thể dùng nguyên cặp để hít đất (với động tác banh lồng ngực), tung người đá bay qua chướng ngại vật (ngựa gỗ) – cũng có thể dùng rơm bện quanh ngựa để tập chặt sống bàn tay… từ trên xuống.
- Banh da: dùng trái banh như banh bầu dục, hai đầu cột vào trần nhà và sàn nhà. Các bạn có thể đấm, đá để banh bật lại tập thêm phản ứng tránh né, di chuyển thân pháp…
- Kính chữ nhật lớn: với chiều cao từ 1,5m đến 2m, chiều rộng từ 6 tấc đến 8 tấc.
Thủ thế và diễn thế đối diện kính lớn, ta có thể tự sửa sai những khuyết điểm của bản thân. Đôi lúc tập đấu với bóng của mình trong kính (gương).
- Hũ sành hoặc đồng nặng: các bạn tập cách nắm bắt thật chắc, cũng như tập hình thức cầm nã, bấu, bám chặt các đầu ngón tay. Từ đó tăng thêm sức mạnh các ngón tay.
- Hũ lớn (đựng cát, gạo, sỏi nhỏ…) dùng để xỉa các ngón tay, ban đầu các bạn bỏ 2/3 gạo vào hũ. Tập xỉa các ngón tay cho đến khi nào mỗi lần xỉa ngón tay vào đều chạm đáy hũ. Kế tiếp thay bằng cát rồi đến sỏi nhỏ… Tập kiên trì một thời gian các ngón tay cứng như sắt thép, gỗ ván, ngói gạch có thể xỉa vỡ không mấy khó khăn.
- Ròng rọc kéo dãn chân: bắt một ròng rọc tốt lên sà nhà, một sợi dây dài khoảng 3m hoặc hơn nữa tùy khoảng cách giữa ròng rọc và thế đứng của chúng ta. Một đầu dây quấn hình tròn (làm thế nào cho vừa chân người tập, có thể quấn vải để bớt đau) đưa chân vào lỗ tròng. Tay kia nắm đầu dây đối diện rồi từ từ kéo lên. Tuyệt đối không tập ép một cách thô bạo, các bạn sẽ bị tét cơ hoặc giãn gân háng ngay, rất nguy hiểm về sau (có một số trường hợp nạn nhân vĩnh viễn không phát lực được khi tung đòn chân, một số khác đá dẻo, cao nhưng không còn hơi sức công phá). Hãy luyện từ từ “dục tốc bất đạt” mong các bạn ghi nhớ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét