Bạch Hạc Quyền có nguồn gốc từ Thiên Trúc và được coi là môn võ cổ truyền của Thiếu Lâm , tuy nhiên không giống các môn phái khác được lưu truyền nhiều nhánh và chi phái một cách rộng rãi trong dân gian, Bạch Hạc Quyền chỉ lưu truyền trong giới Lạt Ma và được Bồ Ðề Ðạt Ma truyền dạy tại Thiếu Lâm Tự . Vào cuối đời Tống và Minh, các nhà sư Thiếu Lâm đã đưa quyền pháp ra ngoài với nhiều sáng tạo đa dạng và phong phú .Từ đó Bạch Hạc quyền được truyền từ chùa Nam Thiếu Lâm Phước Kiến , huyện Vĩnh Xuân , thuộc thành phố Phước Châu, tỉnh Phước Kiến . Môn phái Bạch Hạc có nhiều cách phát âm qua nhiều phương ngữ Trung Hoa : Bạch Hạc quyền (Pai Hao Q’uan, Peh Ho Kuen , Bai He Q’uan), Bạch Hạc (Peh Hok, Bak Hok, Pak Hok), và Hạc quyền (He Q’uan). Bạch Hạc quyền cũng được biết dưới một tên khá phổ biến Ngũ Tổ quyền (the Southern Five Elder Style hoặc the Five
Ancestors Fist Style hay Wu Zu Q’uan), và Vĩnh Xuân Phái (the Yong Chun Style) được phát âm theo tiếng Quảng Đông là Wing Chun thường được dịch sang tiếng Việt là Vĩnh Xuân Bạch Hạc quyền (Yong Chun Bai He quan, Wing Chun Bak Hok Kuen). Bạch hạc là loài chim thuộc họ sếu , tiêu biểu là giống Grus antigone, đầu và cổ dài có điểm lông đỏ , chân dài , dáng đi uyển chuyển mềm mại . Mỏ nhọn , cứng , dài dùng để tấn công địch thủ . Với hình tướng cao lêu nghêu , mảnh khảnh , hạc dễ bị tấn công , nhưng với khả năng bẩm sinh, hạc luôn giử một khoảng cách an toàn với địch thủ ( bạch hạc dạ hành ) . Hạc dùng những móng vuốt nhọn và sử dụng cánh để ngăn chận hoặc bung ra chớp nhoáng để tấn công địch thủ . Hạc thể hiện nội lực tinh thần, trí tuệ, sự nhạy bén. Thân mỏng trong bộ lông trắng muốt , hạc thật mảnh mai , trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung. Hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc. Một đặc tính khác của hạc là lãng đãng , chập chờn bay lượn nơi nầy nơi nọ , vui ở , buồn đi , phong thái ung dung , phiêu hốt . Do đó hạc thường được ví với Ðạo của Lão gia , mang cái tâm huyền không , vô trụ , vô sở . Tạo được cái tâm hư vô là tạo cho mình một lực hút phi thường chứa đựng cả vạn pháp, giải thoát được cái ắt có của không gian và thời gian . Ðó là Ðạo vô thuỷ vô chung . Lão Tử nói cái gì trống không thì sẽ được lấp đầy ( oa tắc danh) . Trang Tử cũng nói người đắc đạo cho mãi mà không cạn , thu mãi mà không tràn . Các môn phái Hạc quyền mô phỏng các động tác và bộ hình của loài hạc để sáng tạo ra các thế vỏ ung dung phiêu hốt có giá trị cao trong chiến đấu . Có 5 phái Hạc quyền mà quyền pháp mô phỏng theo phong thái của loài hạc: *Tung Hạc quyền (Zong Hequan , the Jumping Crane Boxing) mô phỏng động tác con Hạc đang chuyển mình sắp sửa cất cánh bay lên (Hạc đang nhảy nhót), loại quyền này vận động theo hình tròn, lỏng thân, mềm tay, đòn ra duỗi thẳng, dùng lực toàn thân, kình phát rung bật, đàn hồi. *Phi Hạc quyền (Fei Hequan, the Flying Crane Boxing) mô phỏng động tác con Hạc đang nghiêng mình bay lượn. Phi Hạc quyền cũng vận động theo hình tròn, lỏng thân, mềm tay, nhưng nhấn mạnh các động tác thủ chưởng (lòng bàn tay) khi phát kình. Trước khi phát kình thường hay buông lỏng và rung lắc thân hình phối hợp với eo lưng và mã bộ để xuất kình. * Minh Hạc quyền (Ming Hequan , the Crying Crane Boxing) mô phỏng động tác con Hạc đang gáy (đang hót), môn quyền này xuất tiễn có lực, chụp bắt mau lẹ. *Túc Hạc quyền (Su Hequan, the Sleeping Crane Boxing mô phỏng động tác con Hạc đang đứng nghỉ (ngủ). Môn quyền này khi luyện giống con Hạc đang đứng ngủ, nhưng không phải ngủ, mà là để dụ địch, thoát ẩn mau lẹ, thủ pháp nhanh như chớp. *Thực Hạc quyền (Shi Hequan , the Eating Crane Boxing), mô phỏng động tác con Hạc đang ăn. Môn quyền này chú trọng thủ hình, lấy trảo, chưởng, chỉ, câu và đơn châu quyền làm chủ; mã bộ vững chắc, eo hông xoay như bánh xe. Bạch Hạc quyền cũng mô phỏng theo các động tác trên của hạc, chủ yếu sử dụng hai thủ pháp mỏ và cánh hạc . Mỏ hạc là dùng năm ngón tay chụm lại nhau để tấn công các điểm gần và mềm của địch thủ như mắt , nhân trung , màng tang , yết hầu . Cánh hạc là hai cánh tay thu ngắn hoặc vươn dài một cách uyển chuyển , mềm mại theo những động tác thuận nghịch để tấn công liên tục vào thân mình và tay chân địch thủ . Trước khi luyện tập Bạch Hạc quyền , môn sinh dùng hơi thở để luyện thần .Tinh, Khí, Thần là căn bản của con người, không có chúng thì chúng ta không thể tồn tại được. Tinh là Nguyên Khí - tinh chất cốt lõi của con người, do Âm Dương của cha mẹ truyền lại, vì vậy, Tinh là nguồn mạch của sự sống, nó duy trì tính chất di truyền . Khí là nguồn năng lực nội tại luân lưu trong các Kinh Mạch và Tạng Phủ với chức năng điều hòa và tăng cường cho sức mạnh của Kinh Mạch và Nội Tạng. Thần là chủ đạo của não. Thần có liên quan mật thiết với Tâm, nên mới nói “Tâm tàng Thần”. Ðan điền của Thần đóng ở Ấn Ðường và phía sau là Bách Hội (đỉnh đầu) . Tóm lại, Tinh là gốc của sự sống, được nuôi dưỡng hàng ngày bởi Khí . Thần là tinh hoa của Khí . Mục tiêu tối hậu của Khí Công là luyện Tinh thành Khí , luyện Khí thành Thần . Hơi thở điều hòa tư tưởng, tư tưởng dẫn khí, khí dưỡng thần. Về hơi thở thì phải thâm (sâu), trường (dài), quân (đều), tĩnh (êm), khai khoát tự nhiên (thoải mái tự nhiên). Thần khí có thể kết tụ ở đôi mắt, hoặc ở tay chân . Ðôi khi tư tưởng vượt ra ngoài thân xác thì đó chính là lúc môn sinh giác ngộ biết được bản tính chân thực của sự vật. Ðây là lý do môn đồ Bạch Hạc thường luyện thần trước gương dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn bạch lạp. Ta thấy ta đó, nhưng chưa hẳn là ta mà là bóng. Bóng và ta nhập nhòa , phân tranh, tiến thối, đến một lúc nào đó môn sinh không còn phân biệt ta và bóng , thật và giả, tức là đạt đến tâm thức an định. Thần thức (tư tưởng) sẽ an nhiên tự tại và làm chủ được mình, điều khiển được những đường kinh khí, lục phủ ngũ tạng, vì tư tưởng đi đến đâu thì khí đến đó - khí là sự trôi chảy liên tục của tư tưởng, khi tư tưởng bế tắc thì khí nghẽn . Lúc bấy giờ môn sinh sẽ điều động được thân tâm một cách nhịp nhàng , thân thủ tiến thoái liên hoàn. Một khi đã làm chủ được thần thức thì môn sinh đã "quy căn phục mạng" tức là trở về cái thanh tịnh tuyệt đốị , hay là trở về Tâm Hư , không còn điên đảo , ly tán vì ngoại giới hữu hình . Ðó là cách phục hồi chân khí , theo Ðạo gia là nguồn gốc của sinh mạng : ngủ thì nhắm mắt ( dưỡng thần ) , tai không nghe (dưỡng tinh) , miệng không nói ( dưỡng khí) , tức lòng đã được Hư Vô . Các yếu pháp, yếu lý, quyền lý trong nền móng khí công Bạch Hạc được coi là có nguồn gốc từ Thiền tông qua tác phẩm Trung luận hay Trung quán luận của Phật giáo với các yếu chỉ về điều thân - điều tức - và điều tâm. Về mặt võ công, có thể nói đây là cuốn sách võ công thượng thừa mà các nguyên lý triết học và phép biện chứng của Phật giáo không thể hiểu dễ dàng trên các phạm trù chân như, hư không. Môn sinh muốn đạt đến Tâm Hư , khi đi không biết mình đi, khi ngồi không biết mình ngồi, nhằm đạt đến chiều sâu nhất của tâm và chứng ngộ cái sống thật sự của nó thì không có cách nào khác hơn là đạt một tự tâm lắng đọng sâu xa ngay trong những hoạt động của mình. Hình thức của Bạch Hạc quyền nhấn mạnh vào khái niệm không thách thức. Những người cố gắng theo đuổi vẻ đe dọa bên ngoài của động tác sẽ không bao giờ phát triển được trong môn võ này. Các sư tổ của môn phái thường khuyên môn sinh hãy mang cái tâm sơ khởi đầy nghi kỵ bất trắc của mình ra đối mặt với đòn thế mỗi ngày. Hãy để nỗi sợ hãi tự bộc lộ và tìm hiểu nó thật kỹ. Hãy theo dõi nó tồn tại và phát triển mỗi ngày, và sau cùng hãy diệt nó đi như khi ta trừ một cây độc phải nhổ tận gốc . Thôi Hiệu có câu thơ : "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản Bạch vân thiên tải không du du." (Hạc đã bay đi rồi không bao giờ trở lại, Sao ta mãi như gợn mây trời nghìn năm thẫn thờ trôi? ) Vì sao ? Vì ta khi có sở đắc thì ta lại trụ, mà trụ thì bị mất chứ không phải còn ! Mất trong sự hiểu biết nông cạn của lý trí, dĩ nhiên là ta mất luôn vì lẽ sự hiểu biết vốn dĩ hạn hẹp. Còn hạc, vốn không biết, vừa mới biết đã mất, thì cái mất đây hoà nhập theo sự trường tồn của vũ trụ. Hạc vỗ cánh về đâu ? Còn tổ để về hay đã mất ? Vẫn không bắt gặp chút tình nào của nhà thơ, nhưng ta thấy thấp thoáng đang cùng chim hạc, vỗ cánh lưng trời . Giữa cái hư thực đó môn sinh sẽ cảm nhận như mình đang tọa thiền. "Năm chầy đá ngủ lòng khe Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.” ( Thị Ngạn) Chỉ cánh hạc lưng trời kia biết mà thôi. Mơ hồ quá, cánh hạc lưng trời đưa chiều dần vào tối, rồi hạc chìm mất trong bóng đêm hay hạc đã hóa thân thành đá, im lìm ngủ dưới lòng khe ? Lại cũng chỉ hạc biết và đá biết mà thôi. Và hạc cũng như đá dường như chỉ có mặt để nhận biết không gian, vạn hữu mà không hề bị không gian, vạn hữu đó vướng mắc. Ðó là triết lý vi diệu của Thiền mà cũng là tinh yếu của môn phái Bạch Hạc quyền .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét